Menu
Trước đây nếu bạn nói mình bị trầm cảm, mọi người sẽ gần như phớt lờ và nghĩ rằng bạn đang làm quá lên. Nhưng đã có quá nhiều vụ việc đau lòng bởi hậu quả của trầm cảm sau sinh mà phụ nữ đang phải đối mặt, vậy nên chưa bao giờ vấn đề này được quan tâm nhiều đến vậy. Ngoài vai trò của người chồng, cha mẹ, chính chị em là người cần phải nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường đang diễn ra để có giải pháp cải thiện càng nhanh càng tốt.
Những dấu hiệu sớm của trầm cảm sau sinh
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và vấn đề mà từng người đối mặt cũng không hề giống nhau. Có người gặp áp lực trong tài chính, có người vì mối quan hệ với chồng và gia đình chồng, có người lại vì khó khăn khi lần đầu nuôi con nhỏ,… Tuy nhiên khi bị trầm cảm, trạng thái về cả sức khỏe và tinh thần của chị em đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Những dấu hiệu đặc trưng biểu hiện sớm của trầm cảm sau sinh thường gặp là:
- Buồn và khóc không vì một nguyên nhân cụ thể nào.
- Ngủ quá nhiều không kể giờ giấc.
- Không thể ngủ mặc dù thiếu ngủ và kiệt sức.
- Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn bất cứ thứ gì.
- Đau nhức ở nhiều nơi trên cơ thể dù không có bệnh tật hay nguyên nhân nào.
- Thường xuyên cáu kỉnh, lo âu, tức giận.
- Tâm trạng thay đổi liên tục, lúc vui, lúc buồn không thể kiểm soát cảm xúc.
- Trí nhớ suy giảm, khó khăn khi ghi nhớ.
- Không muốn tiếp xúc với ai, tự ti về ngoại hình.
- Không thể tập trung, không có hứng thú với bất cứ công việc nào.
- Không thể đưa ra quyết định dù là những công việc đơn giản.
- Không cảm thấy kết nối với con, tự trách móc bản thân vì sao không có niềm vui như tưởng tượng.
- Cảm thấy vô dụng và mất tin tưởng vào bản thân.
- Có suy nghĩ về việc làm hại bản thân và con.
- Suy nghĩ và hành động không giống như bản thân mình trước đây.

Khi nào dễ bị trầm cảm nhất và có nguy hiểm không?
Những người vượt qua trầm cảm chưa từng nghĩ đó là điều dễ dàng và cần tới rất nhiều sự nỗ lực từ từ bản thân tới sự hỗ trợ sát sao của người thân, đặc biệt là chồng. Theo đó, trầm cảm thường xảy ra nhiều nhất trong vài tuần đầu sau sinh hoặc thậm chí là nhiều tháng sau đó. Các triệu chứng không biến mất mà có thể giảm đi sau đó lại tiếp tục xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Đa số trường hợp bị trầm cảm nhẹ và được điều chỉnh đúng lúc sẽ tự khỏi. Tuy nhiên khi bị trầm cảm nặng kéo dài lại cực kỳ nguy hại. Là bởi không thể điều chỉnh được cảm xúc, hành động trong lúc tâm lý đang bị kích động nên những chị em bị trầm cảm nặng có thể làm những điều khó tưởng tượng được.
Những hệ lụy từ trầm cảm sau sinh có thể nhìn thấy đó là:
- Cơ thể và tinh thần bị suy kiệt do chán ăn, lo lắng, mất ngủ.
- Không đủ sữa để nuôi con.
- Có nhiều suy nghĩ lệch lạc, đôi khi bị hoang tưởng dẫn đến nhiều hành động nguy hại.
- Không thể tự mình chăm sóc cho em bé và gia đình.
- Ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng và gia đình xung quanh.
- Nguy cơ lớn nhất là gây hại đến bản thân, người thân và con.
Phương pháp cải thiện và điều trị trầm cảm sau sinh
Ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu mầm mống của trầm cảm sau sinh, chị em nên nhanh chóng đến gặp các bác sĩ tâm lý để nhận được hướng dẫn và điều trị sớm. Hiện nay có hai phương pháp để điều trị trầm cảm sau sinh gồm dùng thuốc và trị liệu. Chúng được áp dụng riêng biệt nhưng nếu được kết hợp cùng nhau sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên chính ý chí muốn thoát khỏi tình trạng của chị em mới quyết định tới kết quả của hành trình điều trị.
Chị em cũng cần phải tránh xa những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên trầm cảm, gia đình, đặc biệt là chồng cần biết chia sẻ và giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc bé, tránh gây áp lực tâm lý khiến chị em thu mình và tự cô lập bản thân. Nên dành thời gian để chăm sóc bản thân, tập thể dục, đi ra ngoài, để bé cho người thân chăm sóc và có khoảng thời gian riêng. Tìm niềm vui trong các công việc mỗi ngày, tập yoga, thiền cũng là cách giúp phụ nữ có thể lắng nghe được cơ thể, điều chỉnh cảm xúc rất tốt.
Sinh con khiến phụ nữ thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống, mặc dù đã có 9 tháng chuẩn bị tâm lý nhưng khi chào đón bé sẽ có rất nhiều điều làm chị em bỡ ngỡ. Cảm xúc thay đổi thất thường, thiếu ngủ, mệt mỏi không phải bất bình thường sau khi sinh nhưng nếu kéo dài và không có cách thoát khỏi sẽ dẫn đến trầm cảm. Quá trình điều trị có thể kéo dài hơn 6 tháng, có thể lâu hơn nên đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp của cả gia đình, giúp mang lại cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn cho những người mẹ.