Menu
Cảm lạnh thường dễ mắc vào thời điểm giao mùa hoặc khi mưa, lạnh gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus với các biểu hiện như đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, ho, sốt, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi,… Cảm lạnh thường không đáng ngại với người lớn nhưng với trẻ em có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hại nếu không được điều trị sớm và phù hợp như viêm phế quản, viêm phổi. Để trị cảm lạnh, bạn có thể áp dụng các mẹo đơn giản sau đây cho cả trẻ em, người già giúp khỏi bệnh nhanh chóng.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Đặc biệt là đường hô hấp bằng nước muối để sát khuẩn, giúp làm sạch răng miệng, chất nhầy trong mũi, dịu cơn đau rát cổ họng và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, virus theo chất nhầy vào sâu bên trong. Ngoài ra bạn cũng nên giữ gìn vệ sinh cho bàn tay, nhất là sau khi che miệng ho, cầm nắm vật dụng, tắm rửa sạch sẽ đều đặn, dùng khăn giấy để lau miệng, mũi. Dùng khẩu trang bịt miệng chống bụi và sự xâm nhập của khí lạnh và sử dụng máy tạo độ ẩm nếu thời tiết hanh khô gây đau mũi và khó làm sạch chất nhầy.
Tắm nước ấm bằng vòi hoa sen hoặc xông hơi
Hơi nước nóng khi xông hơi hay khi tắm bằng vòi sen sẽ giúp tăng thêm độ ẩm và hơi nước giúp làm loãng dịch nhầy, thông mũi. Ngoài ra hơi ấm từ nước cũng sẽ giúp cơ thể thoải mái và khỏe khoắn hơn. Tuyệt đối không tắm bằng nước lạnh sẽ khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn và kéo dài triệu chứng khó chịu.
Uống nhiều nước
Khi bị cảm lạnh, cơ thể dễ bị mất nước nếu gặp phải tình trạng tiêu chảy, nôn mửa… Thay vì uống nước lạnh, bạn nên uống nước ấm để giúp làm dịu cơn đau họng, làm tan đờm, giảm ho. Thêm vài lát gừng, một vài muỗng mật ong hoặc chanh để tăng khả năng trị cảm. Ngoài ra uống thêm một số loại nước ép như dưa hấu, cà chua, nước cam, nước ép táo,… giúp tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng giúp điều trị bệnh từ bên trong.

Sử dụng tinh dầu để giảm triệu chứng
Các loại tinh dầu có tính nóng khi thoa vào thái dương, cổ họng, lòng bàn chân hoặc pha vào nước tắm có tác dụng giúp giữ ấm và làm tan đờm hiệu quả. Bạn nên dùng tinh dầu tràm, tinh dầu bạc hà, long não hoặc một số loại dầu nóng khác.
Chườm lạnh, chườm nóng
Tại vùng xoang tắc nghẽn, bạn dùng phương pháp chườm nóng có tác dụng làm giảm khó chịu, lỏng dịch nhầy. Nếu vùng mũi bị đau, chườm lạnh sẽ giúp làm co mạch máu ở xoang mũi rất hiệu quả giúp trị cảm nhanh chóng.
Nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý
Khi cảm lạnh, người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Cơ thể khi này cần được nghỉ ngơi và dưỡng sức, không nên làm việc quá sức. Chế độ ăn trong thời gian này cũng cần hết sức được chú trọng, nên ăn các món ăn lỏng và nóng, tốt nhất nên ăn cháo hoặc súp vừa dễ ăn, vừa có hơi nóng giúp làm ấm đường hô hấp.
Bữa ăn nên ăn thêm các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như sữa chua, tỏi, hành, hẹ, thịt bò, yến mạch, mật ong, súp lơ,… đặc biệt là cháo gà. Hạn chế ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ, bánh quy, khoai tây chiên khiến cơn đau họng và ho trở nên nặng hơn.
Uống thuốc trị cảm
Đây là phương pháp nên áp dụng cuối cùng khi mà các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên bạn nên lưu ý là không nên tự ý mua thuốc để điều trị, đặc biệt là với trẻ nhỏ, mà cần thăm khám và mua theo đơn của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được kê đơn để trị cảm đó là:
- Thuốc hạ sốt và giảm đau: Gồm naproxen acetaminophen hoặc ibuprofen. Đặc biệt lưu ý là với những người dưới 19 tuổi không nên dùng aspirin bởi dễ gây nên hội chứng Reye có hại với gan và não.
- Viên ngậm trị ho: Ví dụ loại thuốc Strepsils giúp làm dịu cơn đau họng và làm ẩm đường họng.
- Thuốc long đờm: Thường là thuốc Bena Expectorant® có tác dụng làm sạch đường thở, long đờm, giảm khó thở, dịu cơn ho nặng.
- Thuốc xịt/nhỏ mũi: Chữa chứng nghẹt mũi, giúp thông mũi nhanh chóng.
- Uống thuốc kháng virus: Trong trường hợp có khả năng bệnh gây ra biến chứng ở những đối tượng như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh phổi, tim và các bệnh mãn tính khác. Một số loại thuốc như oseltamivir (Tamiflu), aloxavir marbocyl (Xo Fluza), peramivir (Rapivab) zanamivir (Relenza) hoặc zanamivir (Relenza).

Đặc biệt nếu người bệnh có các biểu hiện nặng như buồn nôn, nôn, đau ngực, đau tai, chảy dịch từ tai, ngất xỉu, co giật, thở khò khè, đau mặt, trán, chất nhầy màu xanh hoặc vàng hơn 1 tuần,… Cần nhanh chóng đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Cảm lạnh, cảm cúm với các triệu chứng nhẹ không quá nguy hiểm nhưng biến chứng của nó có thể gây chết người. Do đó đặc biệt là những đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu, chưa hoàn thiện thì cần hết sức lưu ý để điều trị cảm lạnh, cảm cúm chóng khỏi.